Gió về nhiều, và hơi lạnh từ rừng thông ùa tới khiến người đi đường muốn mặc thêm chiếc áo len mỏng để thấm tháp tiết trời trong ít ngày lưu trú tại đây.
Dinh III - nơi còn lưu trữ nhiều cổ vật cung đình Huế
Yến Khê, cô bạn đi cùng lần đầu tiên tới xứ ngàn hoa, thắc mắc "Răng không thấy Đà Lạt có nhiều xích lô tấp lề đường như ở Huế rứa hè?". Tôi bảo, cậu lên google search đi, Đà Lạt là thành phố 3 không: "Không xích lô, không đèn xanh đèn đỏ, không máy lạnh". Ở Đà Lạt, chúng tôi chọn cách đi bộ để được chứng kiến những cảnh bình dị, đời thường nhất. Vả lại, với dân "đi bụi", cuốc bộ vài cây số chỉ là chuyện nhỏ. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi đã bỗng dưng gặp Huế từ nơi "3 không" ấy.
Nói là bỗng dưng bởi chuyến đi này hoàn toàn ngẫu hứng mà không hề thống nhất trước về lịch trình. Cũng như chẳng biết Đà Lạt có liên quan gì đến Huế. Bạn thì thích đi thư viện tìm tài liệu, tôi thì thích thăm mấy công trình kiến trúc kiểu Pháp tại đây. Tranh luận một hồi thì thống nhất, đi tham quan kiến trúc trước, đi thư viện sau.
Từ nơi lưu trú là đường Bùi Thị Xuân, chúng tôi tìm đường để lên Dinh III, nơi mà khi còn tại vị, vua Bảo Đại vẫn thường tới đây để nghỉ dưỡng và săn bắn vào mùa hè.
Đi bộ tới đường 3/2, hỏi bác xe ôm để chỉ đường, bạn tôi ngỡ ngàng nhận ra giọng Huế không lẫn đi đâu được. Nhà bác ở phố thợ nhuộm (Gia Hội xưa, nay là khu Chi Lăng - Bạch Đằng), cùng gia đình chuyển vào Đà Lạt từ sau 1954. Bác kể, khi ấy mới khoảng 7- 8 tuổi mà đến chừ sau khi ở Đà Lạt gần 60 năm vẫn giọng Huế không lạt đi chút nào. Nhiều người Huế vô đây du lịch gặp bác vẫn nhận ra giọng nói của người đồng hương. Nói rồi bác cười khì khì, chỉ đường rất tận tình, còn cho cả số điện thoại để có khúc mắc gì thì gọi giúp đỡ.
Theo chỉ dẫn của bác xe ôm, chúng tôi đi theo con đường Triệu Việt Vương để lên Dinh III. Dinh nằm giữa khu rừng có cái tên rất diễm tình - Ái Ân, trên một đồi thông có độ cao hơn 1.500m. Công trình kiến trúc này được xây dựng trong khoảng thời gian 6 năm (1933 - 1938) do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và cộng sự người Pháp thực hiện.
Điều đặc biệt là nơi này còn lưu trữ rất nhiều cổ vật cung đình Huế, được vua Bảo Đại nâng niu và cất giữ cẩn thận. Đó là những bộ ấm chén nạm ngọc, những chén dĩa bằng sứ quý hiếm, hay những lu vại nhỏ bằng đồng có tuổi đời hàng trăm năm... Đây cũng chính là nơi mà đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng đã lấy bối cảnh cho nhiều phân đoạn trong bộ phim truyền hình dài 45 tập mang tên Ngọn nến Hoàng cung, phát sóng lần đầu tiên vào năm 2004.
Yến Khê bạn tôi, là dân thiết kế áo dài cứ tấm tắc mãi về những cổ vật còn lưu lại trong dinh thự. Cũng là người Huế chính gốc nên cô ấy rất tha thiết với dấu tích của quê hương có mặt ở bất kỳ một thành phố nào. Nụ cười và ánh mắt long lanh của bạn khiến tôi hy vọng cô ấy sẽ có những ý tưởng mới cho bộ sưu tập áo dài sắp tới của mình, từ những chi tiết nhỏ bắt gặp trong cuộc đi này.
Đi bộ chặp mỏi chân, chúng tôi ngồi nghỉ ngay dưới bìa rừng nơi có hàng thông reo xào xạc. Ngắm thông reo, quả thực trong đầu lúc ấy chợt nhớ đến mấy câu trong Thư tình gửi một người của Trịnh Công Sơn: "Thông đang reo dưới đồi. Anh ước mơ một căn nhà có khói um lên trên đỉnh. Trong đó có một hạnh phúc vừa đủ để người này nương vào người kia". Lúc ấy là mùa thu 1965, Trịnh Công Sơn đang ở Đà Lạt viết thư về cho Dao Ánh ở Huế.
Chiều đến, bạn tôi bảo đi thư viện để tìm xem có sách gì hay ho không. Té ra bạn vẫn không thay đổi ý định. Chao ôi dân thiết kế dễ thương chưa tề, đi mô không đi lại vô thư viện đọc sách! Tôi âm mưu chọc quê cô bạn để mong chuyển hướng sang đi Ga Đà Lạt nhưng cô ấy không chịu, nhất định phải đi thư viện. Âm mưu không thành, thế là chúng tôi lại bước bộ đi thư viện.
Thư viện tỉnh phong phú về các loại sách. Bạn tìm sách mỹ thuật - trang phục, tôi tìm văn thơ báo chí. Tôi nhìn thấy một cuốn sách có cái tên rất gợi: Duyên nợ Đà Lạt của Trần Ngọc Trác. Mở sách ra, tôi vô cùng ấn tượng với nội dung của nó. Cuốn sách này có điểm diện chân dung những người con của Huế có duyên với Đà Lạt như vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương, nhà thơ Phạm Gia Triếp, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, họa sĩ Đinh Cường, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng hay cuộc gặp định mệnh của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly tại cafe Tùng... Điều đặc biệt, tác giả cuốn sách - nhà văn Trần Ngọc Trác cũng là một người con được sinh ra từ Huế, đã và đang gắn bó với Đà Lạt gần 40 năm nay. Ông biên soạn, khảo cứu cuốn sách này như một sự góp gửi tình yêu dành cho Đà Lạt vậy.
Một tư liệu nữa cần phải nói đến được lưu giữ tại thư viện là bài viết bằng chữ Hán xen lẫn chữ Nôm có tên Lâm Viên hành trình nhật ký của Đoàn Đình Duyệt - Thượng thư bộ Công triều Nguyễn, người được vua Khải Định điều từ Huế vô Đà Lạt vào năm 1917 để nghiên cứu, trù liệu việc xây dựng hành cung. Đây được xem như là tác phẩm đầu tiên của người Việt Nam viết về Đà Lạt, đăng trên Tạp chí Nam Phong vào tháng 3 và tháng 4 năm 1918. Trong bài có đoạn miêu tả khí trời Đà Lạt: "Lúc đến Đa Lạc (Đà Lạt), viên chức huyện Lâm Viên dẫn dân trong hạt, độ một nửa là người Hán và người Thượng, ra đón mời vào huyện nha nghỉ ngơi. Trời vào tiết đầu thu, miền trung châu chưa bớt nóng mà ở đây thì trời đã lạnh dần, có mưa phùn, mặc áo lông cừu thật thích hợp".
Ra khỏi thư viện chiều đã muộn, chúng tôi đi bộ ra hồ Xuân Hương. Tự dưng Yến Khê hỏi: "Cậu đã đến Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt chưa?". Tôi nói "Tới từ lần đầu đi Đà Lạt rồi, vì kiến trúc quá đẹp. Cậu có thích đi không, mai tôi đưa đi?". "Có chứ! Tôi rất muốn thăm trường vì đó là nơi khi xưa ông ngoại đã từng dạy Pháp văn ở đó". Nghe thế tôi ớ người ra, ô hay cái con người này, sao không nói người ta dẫn đi ngay từ đầu.
Trưa hôm sau, chúng tôi tới Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Phải tới buổi trưa vì giờ này trường mới mở cửa cho khách tham quan, sáng đóng cửa để giữ yên tĩnh cho lớp học. Ngôi trường này được khởi công xây dựng từ năm 1927 theo phong cách châu Âu, là nơi chuyên dụng để dạy con em người Pháp và những gia đình người Việt giàu có thời bấy giờ. Bạn tôi thốt lên "Răng lại có ngôi trường đẹp như ri mà chừ mới biết!". Khê thuật lại lời của mẹ, thời ông ngoại dạy Pháp văn ở đây, trường có tên là Lycée Yersin để tưởng nhớ bác sĩ Alexandre Yersin, người Pháp gốc Thụy Sĩ đã có công khai sinh ra thành phố Đà Lạt, mãi về sau này mới đổi tên thành Cao đẳng sư phạm. Ông ngoại của Khê, cứ mỗi kỳ nghỉ lại từ Đà Lạt về Huế thăm gia đình, hết kỳ nghỉ lại vô Đà Lạt dạy học. Mà cứ mỗi lần ông từ Huế vô lại Đà Lạt, trời Huế lại mưa...
Dòng ký ức ấy trôi đi trong một ngày mưa ở cao nguyên. Đà Lạt cũng đang mưa, và gió về phố núi, mang theo những ảo ảnh mơ hồ từ quá khứ vàng phai. Tôi chợt nhận ra, có một Huế kiệm lời và ôn tồn giữa lòng thành phố cao nguyên này, với những di sản và gương mặt con người đã hằn in dấu chỉ của thời gian.
Theo báo Thừa Thiên Huế