Chúng ta đã có một kế hoạch lớn về phát triển kinh tế biển và đầm phá. Điều này hết sức cần thiết vì biển và đầm phá là một trong những thế mạnh của tỉnh với 128 km bờ biển và 22.000 ha nước lợ. Khoảng 1/3 dân số sống ven vùng làm ăn và hưởng lợi từ điều kiện tự nhiên này.
Đường nét Tam Giang. Ảnh: Hữu Tư
Mới tuần rồi, trong kỳ họp Tỉnh ủy lần thứ 9, khóa XV đã thông qua Tờ trình về phát triển kinh tế - xã hội vùng này trong tình hình mới; đã đánh giá rất rõ về thực trạng kinh tế - xã hội, đồng thời cũng đề ra những giải pháp để đẩy mạnh phát triển.
Những việc lớn lao không thể thực hiện trong ngày một ngày hai được mà phải đặt trong kế hoạch trung và dài hạn. Những gì có thể làm ngay, những gì có thể làm từng bước, những gì bây giờ đặt nền móng cho sự phát triển và tăng tốc trong thời gian, có thể là năm, mười năm đến cũng được xác định.
Bài viết này chỉ đề xuất một việc làm nhỏ. Việc này không cần vốn nhiều, không cần nguồn nhân lực lắm mà chỉ cần nhận thức đầy đủ, quyết tâm, có giải pháp sát, đúng, là có thể thực hiện được ngay.
Đầm phá là một trong những thế mạnh của tỉnh
Nếu ai có dịp đi các chợ, quan sát, chắc chắn sẽ thấy những hàng bán thủy hải sản thường được bày bán rất nhiều một loại tôm tự nhiên đánh bắt từ đầm phá mà người ta gọi là tôm rảo . Thường người ta phân loại theo từng hạng lớn nhỏ khác nhau. Loại tôm nhỏ, thậm chí là cực nhỏ. Được phân loại lớn hơn thì một lạng cỡ 20-30 con loại này có đến hàng trăm con. Phải bắt một lượng tôm nhiều gấp hàng chục lần tôm lớn như thế nhưng giá bán chỉ bằng phân nửa, cùng lắm là 2/3. Được biết loại tôm nhỏ này được một số cơ sở chế biến mắm tôm đặt mua và khách hàng rất ưa chuộng.
Rõ ràng, một nguồn lợi thiên nhiên quá lớn đang bị người dân chúng ta khai thác một cách lãng phí. Ngư dân đánh bắt thủy sản đầm phá có một từ nghe rất lạ, đó là từ “hèn”. Ví dụ hỏi một người đang đổ nò hay kéo lừ: “Hôm nay có được nhiều tôm không?”. Họ sẽ nói: “Hèn lắm”. Hèn có nghĩa là ít, không đáng bao nhiêu. Tôi đã hỏi rất nhiều người làm nghề ngư nghiệp trên đầm phá và nhận được câu trả lời như vậy. Với cái cách khai thác như hiện nay, có thể nói chúng ta đã làm hao phí, có thể lên đến 60 – 70% nguồn lợi từ con tôm tự nhiên.
Thế thì làm thế nào để khỏi “hèn”? Theo người viết, trước khi làm những điều lớn lao hãy tìm một cách thức quản lý phù hợp để hạn chế sự hao phí 60 -70% nguồn lợi nói trên.
Người dân, nhất là những người trực tiếp khai thác thủy sản ở đầm phá không phải không nhận thức được sự lãng phí này, nhưng người ta không thực hiện được là vì tính “không đồng bộ”. Ai cũng nghĩ mình không bắt thì người khác cũng bắt. Một sự “nghĩ quanh” như vậy, cuối cùng là chủ trương không cho hành nghề với loại lưới mắt nhỏ (mắt lưới nhỏ hơn quy cách quy định) không thực hiện được. Chủ trương cấm dùng lưới mắt nhỏ đã có từ lâu; việc thành lập các tổ ngư nghiệp để tự quản lý với nhau cũng đã làm. Và cái cách khai thác thủy sản như nói ở trên vẫn diễn ra thì rõ ràng, để người dân tự quản là không hiệu quả.
Muốn để người dân tự quản hiệu quả, theo tôi trước hết, chúng ta phải phát huy cho được vai trò và chức năng của hệ thống chính trị hùng hậu từ xã đến thôn. Phải giao trách nhiệm cho hệ thống chính trị này tác động liên tục vào ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với những người hành nghề thủy sản. Lâu nay cũng có vận động, tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhưng cách làm, nói thẳng là chưa thực chất. Phải gắn trách nhiệm rất cụ thể cho cả hệ thống chính trị từ cấp xã trở xuống với việc này. Chẳng hạn như hội nông dân thì phụ trách việc gì, vùng nào. Tương tự như vậy với hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh. Cái thuận lợi là những hội, đoàn này ở gần dân. Nếu biết cách nói, nói hay, nhắc nhở thường xuyên thì dân nào mà chẳng nghe.
Sau khi “nói” thì phải có phương pháp kiểm tra. Mọi loại thủy sản đánh bắt được đều tập trung vào một nơi nào đó để tiêu thụ. Thường mỗi vùng có một “chợ” như vậy. Nghĩa là quản lý, để biết được người dân đánh bắt như thế nào cũng không khó.
Nếu làm tốt những điều nói trên, tôi tin người dân sẽ thu được nguồn lợi lớn hơn từ 60 -70% sản lượng tôm khai thác lãng phí kia. Chỉ cần như vậy thì người dân đã khá hơn rất nhiều.