Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải hướng đến người dân làm trọng tâm
Ngày cập nhật 01/09/2020

Sáng 27/8/2020, tại Hà Nội, Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đã diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các vụ, cục thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cùng với 19 tỉnh, thành phố trong vùng, tham dự Hội nghị tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cùng đại diện các sở, ngành có liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH & ĐT) đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào các vấn đề trọng tâm như đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thực hiện kinh tế - xã hội (KT – XH) của 5 năm qua và 7 tháng đầu năm 2020. Nêu bật các khó khắn vướng mắc liên quan đến đầu tư, quy hoạch, đầu tư công, ODA… cùng với những kiến nghị của địa phương đối với Bộ KH & ĐT.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng còn lưu ý các đại biểu suy nghĩ xem các địa phương sẽ phát triển gì, đâu là trọng tâm, đâu là trụ cột, đi đến đâu, bằng cách nào, bằng công cụ nào, bao giờ chúng ta đến? Chúng ta phải làm gì để đạt các mục tiêu tăng trưởng với tầm nhìn táo bạo hơn, đột phá hơn? Đó là những câu hỏi mà Bộ trưởng đặt ra, gợi mở để Hội nghị tập trung thảo luận.

Thừa Thiên Huế đầu tư phát triển hơn 100 nghìn tỷ đồng trong 5 năm 2016-2020

Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định đã có bài phát biểu nên lên những kết quả về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, đối với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Thừa Thiên Huế đạt mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 6,3-6,5%/năm (trong đó, năm 2020 bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid -19 nên chỉ đạt 2,8-3,8%). Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện 5 năm 2016-2020 là 105.600 tỷ đồng, bố trí cho 2.010 dự án trên tổng số 16 ngành, lĩnh vực. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được giao là 14.809 tỷ đồng cho 427 dự án. Kế hoạch vốn đã giao hàng năm từ 2016 đến 2020 là 15.144 tỷ đồng (bao gồm vốn giao bổ sung tháng 06/2020 cho tỉnh 915 tỷ đồng). Trong năm 2020, đã giao 4.414 tỷ đồng, ước thực hiện đến 31/8/2020 sẽ giải ngân 2.223 tỷ đồng, đạt 51% KH; đến 30/9: 3.303 tỷ đồng, đạt 75,8%; đến 31/10 3.836 tỷ đồng, đạt 88% KH và đến cuối năm 4.356 tỷ đồng đạt 100%.

Trong đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế giai đoạn I đã được ngân sách Trung ương đã bố trí 900 tỷ đồng, dự kiến đến ngày 31/8/2020 sẽ giải ngân hết cho việc di dời 1.758 hộ, còn lại 1.180 hộ đã hoàn thành việc kiểm đếm và áp giá trị bồi thường với giá trị là 980 tỷ đồng, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ quan tâm bổ sung thêm trong năm 2020. UBND tỉnh cam kết khi nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương sẽ phê duyệt và tiến hành chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân còn lại đảm bảo hoàn thành trước ngày 15/12/2020.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định phát biểu tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, thực hiện Chỉ thị 18, ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trên cơ sở đánh giá tình hình và kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo thời gian quy định. Trong quá trình xây dựng Kế hoạch đã gặp một số khó khăn, nhất là tình hình dịch Covid-19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường và chưa được kiểm soát tốt, nguy cơ bùng phát và lan rộng dịch bệnh là rất lớn sẽ tác động mạnh và để lại hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế thế giới, khu vực và trong nước cả trước mắt và lâu dài; vì vậy, việc xây dựng kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm ở thời điểm này gặp nhiều khó khăn trong đánh giá thực trạng năm 2020 do ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh đã tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời khó khăn trong công tác dự báo, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn 2021 – 2025…

Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai xây dựng Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2021 trong đó đã tổng hợp nhu cầu vốn thời kỳ 2021 - 2025 theo danh mục các công trình dự án có sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ quan tâm hỗ trợ, bố trí ngân sách trung ương triển khai danh mục dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025 đảm bảo các điều kiện xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó ưu tiên các dự án: Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2 theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 18/TB-VPCP ngày 11/01/2019 và Thông báo số 55/TB-VPCP ngày 20/02/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Trong định hướng phát triển phải hướng đến người dân làm trọng tâm

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, với tầm nhìn mới, chúng ta phải có tư duy mới, nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế và các khó khăn, hạn chế, thách thức của các tỉnh trong vùng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay và bối cảnh của 5 năm tới là rất quan trọng để từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, hiệu quả, toàn diện, “trúng và đúng” trong năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025. Chúng ta phải đặt mục tiêu cao hơn, vượt lên những cái đang có trong hoạch định tương lai của mình.

Các tỉnh phải nêu cao tinh thần chủ động. Trong định hướng phát triển phải hướng đến người dân làm trọng tâm. Quan tâm đến an sinh xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, các tỉnh cũng cần lưu ý vấn đề quy hoạch, phát triển các đô thị, bởi đây là động lực phát triển cho địa phương. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải thiện thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư minh bạch. Thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. Tăng nguồn thu ngân sách một cách bền vững. Quản lý chặt chẽ về vấn đề đất đai, tránh lãng phí…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý các địa phương cần ưu tiên việc thu hút đầu tư các dự án có công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động cũng như diện tích đất chứ không phải thu hút đầu tư bằng mọi giá. Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả cao, tránh đầu tư dàn trải, ưu tiên các dự án có tính lan tỏa liên tỉnh, liên vùng, có tính kết nối cao. Quan tâm ưu tiên đầu tư các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Các dự án thuộc vùng kinh tế xã hội khó khăn.

H. Sơn (theo thuathienhue.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 1.095